Xét tuyển đại học năm 2020:  Vì sao điểm cao vẫn trượt?

Tình trạng điểm chuẩn cao vượt xa ngoài dự đoán khiến cho nhiều thí sinh 'khóc dở, mếu dở' vì điểm cao vẫn trượt NV1. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

 

Điểm cao vẫn trượt

Với phổ điểm thi năm nay,điểm chuẩn vào các trường đại học (ĐH) sẽ tăng khoảng từ 1-3 điểm tuỳ ngành. Đặc biệt, điểm chuẩn một số ngành học năm nay tăng cao, gây sốc, cụ thể: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn các mã ngành đều tăng vọt, nhiều ngành điểm ở mức 28 - 29 điểm (tính theo thang điểm 30), mã ngành cao nhất là 29,04 điểm, khoa học máy tính. Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành Công nghệ Thông tin là 28,1 điểm. Ngành Hàn Quốc học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH QG Hà Nội) năm nay cao kỷ lụclên tới 30 điểm; ngành Đông Phương học là 29,75 điểm...

Vì sao điểm chuẩn năm nay lại tăng đột biến như vậy? Nhiều thí sinh (TS) đạt 10 điểm/môn vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia tuyển sinh đưa ra nhận định, điểm chuẩn ĐH năm nay tăng cao đã được dự báo trước sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, đề thi tốt nghiệp THPT không quá khó, do vậy, phổ điểm thi năm nay vào các khối xét tuyển cao dẫn đến điểm xét tuyển ĐH tăng theo. Những ngành có điểm chuẩn cao đều là những ngành “hot”, TS đổ xô vào đăng ký. Đặc biệt, năm nay các trường ĐH đưa ra nhiều phương thức xét tuyển như xét tuyển kết hợp, xét học bạ, xét tuyển thẳng và dành đến 40 – 50 chỉ tiêu cho các phương thức này nên chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT giảm gần 1 nửa so với mọi năm.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội  lý giải: Việc các TS điểm cao chót vót 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng mình yêu thích, là do trước khi điều chỉnh nguyện vọng, các trường ĐH đã có dự báo khoảng điểm chuẩn nênnếu các em tự tin hoặc chủ quan chỉ toàn đăng ký ngành hot, không căn cứ vào dự báo điểm chuẩn của các trường nên trượt. Ví dụ, ngành Khoa học Máy tính của trường, nhà trường đã đưa ra dự báo là là 28-29 điểm vì năm ngoái mức điểm đã 27,42. Năm nay phổ điểm dịch chuyển ở top trên từ 1-2 điểm, vì vậy không có gì bất thường cả.

Còn thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên của một trung tâm luyện thi ở Hà Nội cho rằng, nhiều TS điểm cao vẫn trượt là do điểm tăng vượt xa các dự đoán tính toán của TS, dù mọi người cũng đã hình dung rồi nhưng không ngờ tăng cao đến thế.Nhìn vào những cột điểm chuẩn này, thầyNgọc cho rằng đã có sự thất bại. Thất bại trong khâu ra đề thi để phân hóa TS và thất bại đặc biệt nặng nề trong khâu hướng nghiệp. Còn nếu chỉ nhìn nhận kỳ thi này ở góc độ để xét tốt nghiệp trong thời buổi dịch bệnh thì ổn. Tuy nhiên thi và xét tuyển ĐH là việc quan trọng nhưng đến tháng 4 năm nay Bộ bỗng đột ngột đổi kỳ thi thành thi tốt nghiệp, cắt bỏ sứ mệnh xét tuyển ĐH. Vậy việc xét tuyển ĐH sẽ thế nào? Rõ ràng Bộ không cho 1 giải pháp thay thế đủ tốt. Các trường muốn thi riêng thì phải có đủ thời gian chuẩn bị và còn phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu Bộ đặt ra.Lẽ ra, trong hoàn cảnh đó, phải chấp nhận năm nay vẫn giữ kỳ thi“2 trong 1” để hài hòa hết cho tất cả các bên: Bộ - thí sinh - trường ĐH. Cái giá phải trả là lớn, vì việc xét tuyển này ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn TS. Rất nhiều em năm nay đỗ nhưng nhầm chỗ!Thực tế cho thấy, có một tỷ lệ rất lớn các thí sinh xét tuyển đợt 2 những năm trước, sau đó lại bỏ học, thi lại ĐH. Vô cùng lãng phí và tốn kém..

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chủ yếu là phục vụ việc xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, và do vậy, điểm mặt bằng chung của TS cao hơn.Bà Thủy lý giải thêm, theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, TS được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Tuy nhiên, một số TSchỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn.

Thí sinh đã trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học từ ngày 6/10 đến 10/10

Cần cải tiến phương thức tuyển sinh, đảm bảo công bằng

 

“TS vẫn cần ý thức được rằng việc học tập nghiêm túc là điều rất quan trọng còn việc phải đạt bao nhiêu điểm để đỗ thì phải tuỳ vào tình hình đề thi và cách thức xét tuyển của mỗi năm. Mong rằng trong năm học tới đề thi sẽ có nhiều câu hỏi mang tính phân loại hơn nữa...”- thầy Đoàn Trí Dũng, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Trí Anh cho rằng:

TS Lê Viết Khuyến,Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam) cho rằng:Kỳ thi này hiện chỉ phù hợp để xét tuyển với đa số các trường tốp giữa, dưới, còn với trường tốp trên phải đưa thêm tiêu chí phụ chứ không chỉ dựa vào lấy điểm tốt nghiệp. Ở các nước khác cũng vậy, ví dụ, với các trường ĐH đẳng cấp ở Mỹ, điểm thi tốt nghiệp họ sẽ lấy một phổ điểm rộng từ 1.000-1.400 điểm - đó chỉ là điều kiện cần,ngoài ra, còn điều kiện đủ là phải thêm các tiêu chí khác có quyết định cao như: đạo đức, tư cách, tham gia công tác xã hội... Còn ở ta chỉ xét học lực, lấy điểm cao chót vót - đó được coi là điều kiện cần và đủ. Một điểm bất cập nữa là, với tình trạng này việc xét tuyển bổ sung của các trường có thể kéo dài đến hết 1 học kỳ và nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các trường.

Theo ông Khuyến, năm sau phương thức tuyển sinh cần có cải tiến nhiều hơn, ngoài việc các trường tốp trên phải có thêm các tiêu chí xét tuyển toàn diện, thì nên bỏ phương thức xét tuyển học bạ vì nảy sinh rất nhiều tiêu cực không ai kiểm tra được, đến thi vẫn còn tiêu cực. Nếu năm sau còn giữ phương thức xét tuyển này là không ổn, khó đảm bảo chất lượng, sự công bằng trong tuyển sinh. Ông Khuyến cho hay, kết quả TN THPT cao đến 99% là không ổn, ở nhiều nước tỷ lệ này chỉ đạt 70%, họ làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THPT, không nhất thiết phải vào ĐH, CĐ…

Còn thầy Vũ Khắc Ngọc cũngcho rằng, theo lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp mà Bộ vừa công bố thì kỳ thi năm 2021 cơ bản vẫn như năm nay, nghĩa là chỉ đảm nhiệm vai trò xét tốt nghiệp, vì thếngay từ bây giờ các trường ĐH cần phải sớm lên kế hoạch tuyển sinh chủ động hơn, chuẩn bị chu đáo hơn và đảm bảo tính công bằng hơn. Các trường tốp trên có thể tổ chức thí riêng, hoặc thêm các tiêu chí phụ để việc xét tuyển...

Những trường ĐH có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 10/10/2020 cho đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 28/2/2021.Xét tuyển đợt 1 có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh).Còn 83 trường có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ 10/10/2020 cho đến hết năm 2020.

 

 “Nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất caodo chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít, trong khi TS có nguyện vọng đăng ký đông. Bên cạnh đó, các trường đã dành một phần chỉ tiêu cho tuyển sinh bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT”-bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận